25 Tháng 02, 2023
Ủy thác đầu tư chứng khoán là gì? Nên hay không nên tham gia ủy thác đầu tư chứng khoán? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Hiện nay, ủy thác đầu tư chứng khoán đang được khá nhiều cá nhân quan tâm trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà đầu tư chưa hiểu rõ về khái niệm, ưu nhược điểm của hình thức ủy thác đầu tư. Hãy cùng SAPP tìm hiểu về lĩnh vực thú vị này và quyết định xem có nên tham gia ủy thác đầu tư chứng khoán hay không qua bài viết dưới đây nhé!
Ủy thác là việc giao tiền hoặc tài sản cho người khác để họ thực hiện một việc gì đó thay cho bạn. Như vậy, hiểu đơn giản ủy thác đầu tư chứng khoán là việc chuyển tiền từ một cá nhân hoặc tổ chức sang một cá nhân hoặc tổ chức khác để đầu tư vào cổ phiếu với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Chính vì thế, hoạt động ủy thác đầu tư sẽ có sự tham gia của hai bên:
Bên ủy thác: Giao tiền vốn.
Bên nhận ủy thác: Nhận tiền vốn.
Bên ủy thác sẽ giao toàn bộ trách nhiệm về việc sử dụng vốn cho bên người nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác sẽ phải có nhiệm vụ, trách nhiệm đầu tư và quản lý danh mục đầu tư sao cho đảm bảo mức lợi nhuận tối đa, an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu.
=> Xem thêm: Khóa Học CFA Online Từ Cơ Bản Đến Nâng Cao Chuẩn Nhất
Nếu bạn là người mới bắt đầu tham gia vào thị trường, thiếu kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức về chứng khoán thì ủy thác đầu tư là một lựa chọn sáng suốt giúp sở hữu được nguồn thu nhập ổn định và an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn là người thích mạo hiểm, có kinh nghiệm, không thích ràng buộc và muốn có toàn quyền kiểm soát số vốn của mình, bạn có thể lựa chọn đầu tư cá nhân vào bất kỳ sản phẩm chứng khoán nào có trên thị trường.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số ưu điểm và hạn chế của sản phẩm này đối với nhà đầu tư để có được những lựa chọn sáng suốt nhất.
Bản chất của hình thức ủy thác đầu tư là việc bạn đem tiền của mình giao cho một công ty quản lý uy tín trên thị trường. Cho nên việc này sẽ hỗ trợ bạn có được lợi nhuận an toàn, ổn định cũng như sự tăng trưởng. Bởi quyết định đầu tư được thực hiện bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp, có thâm niên và kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán.
Thông thường các công ty quản lý sẽ thực hiện nghiên cứu và xây dựng một danh mục đầu tư với đa dạng các lựa chọn từ cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… Việc này hỗ trợ giảm thiểu rủi ro hệ thống, phân hóa rủi ro ở mức thấp nhất.
Ủy thác đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn so với mang tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng vì đa số các sản phẩm chứng khoán sẽ có xu hướng bị tác động từ thị trường. Nếu thị trường tốt thì mang lại mức thu nhập cao. Trong khi đó, ngân hàng luôn áp dụng cho người gửi một mức lãi suất cố định trước đó, do đó nếu bạn gửi tiết kiệm thì sẽ không thể nhận được các khoản lời như khi thị trường đang tăng trưởng.
Không những thế, nó còn giúp tăng cường hiệu quả sử dụng vốn trong doanh nghiệp nếu bên ủy thác là một doanh nghiệp cụ thể nào đó.
Từ những ưu điểm trên có thể thấy rằng tham gia ủy thác đầu tư chứng khoán có nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Bạn không cần phải đau đầu để suy nghĩ lựa chọn danh mục đầu tư, đắn đo khi đưa ra các quyết định đầu tư cũng như chịu hoàn toàn rủi ro nếu thất bại. Tuy nhiên việc giao toàn bộ vốn cho bên nhận ủy thác cũng có một vài điểm hạn chế mà bạn cần quan tâm.
Ủy thác đầu tư tồn tại một số hạn chế nhất định như sau:
Lựa chọn nhầm công ty quản lý ít kinh nghiệm, còn non trẻ trong đầu tư chứng khoán sẽ mang lại kết quả đầu tư không tốt.
Bạn không có toàn quyền ra quyết định đầu tư, không thể tác động hoặc sử dụng khoản tiền vốn đã giao cho phía bên nhận ủy thác.
Nguy cơ mất vốn nếu danh mục đầu tư của công ty đưa ra không hợp lý, chỉ chú trọng vào vấn đề tối đa lợi nhuận mà bỏ quên hạn chế rủi ro. Do bên ủy thác không trực tiếp kiểm soát nguồn vốn đầu tư, điều này sẽ rất khó khăn để bạn có thể thu hồi vốn góp nếu tình hình đầu tư của công ty không thuận lợi.
Tại Điều 75 Luật chứng khoán năm 2019 đã quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều kiện về vốn bao gồm: Việc góp vốn điều lệ vào các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam; vốn điều lệ tối thiểu để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn cụ thể như sau:
Cổ đông, thành viên góp vốn đáp ứng các điều kiện được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 74 của Luật này.
Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật này.
Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không được sở hữu > 5% vốn điều lệ của một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khác.
Thứ ba, điều kiện về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn cụ thể như sau:
Có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn phải là tổ chức. Trong trường hợp công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp bảo hiểm hoặc các công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này.
Tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu phải là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán phải sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
Thứ tư, điều kiện về cơ sở vật chất quy định cụ thể như sau:
Sở hữu trụ sở làm việc bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh chứng khoán;
Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, thiết bị văn phòng, hệ thống công nghệ phù hợp với các quy trình nghiệp vụ về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Trên đây là tổng hợp các thông tin quan trọng về việc ủy thác đầu tư chứng khoán. Hy vọng các nhà đầu tư đã có câu trả lời cho bản thân rằng có nên tham gia ủy thác đầu tư hay không. Nhớ ghé thăm SAPP thường xuyên để không bỏ lỡ nhiều bài viết thú vị sắp tới nhé!